Bạn thường học tiếng Anh bằng cách nào?
Lấy ví dụ từ chúng ta phải nhớ từ Book, nghĩa là quyển sách.
Đảm bảo 9 trong số 10 bạn sẽ lập tức bắt đầu lẩm nhẩm trong đầu: “Book – quyển sách – book – quyển sách – quyển sách – book

Còn để học câu hỏi “Where do you live?” (Bạn sống ở đâu?), chúng ta sẽ bắt đầu nhẩm 10 lần “Where do you live? – Bạn sống ở đâu? – Where do you live? – Bạn sống ở đâu?”

Bạn có biết?
Đó là một trong những phương pháp học ngoại ngữ kém hiệu quả nhất!

Vì sao?
Mỗi ngôn ngữ là đại diện cho một nền văn hóa, một cách tư duy khác biệt. Sai lầm của chúng ta khi học ngoại ngữ là áp đặt lối tư duy tiếng Việt của người Việt cho một ngôn ngữ của một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ. Nếu học theo cách trên, chúng ta sẽ chỉ “học vẹt” những từ ngữ, mẫu câu đơn giản mà không hiểu, vì thế tất yếu không thể nhớ lâu và cũng không thể học lên cao.

Hãy học ngoại ngữ một cách hiệu quả bằng cách sử dụng cảm giác và những giác quan!
Mối chúng ta có 5 giác quan cơ bản: Thính giác (Nghe), Vị giác (Nếm), Xúc giác (sờ), Thị giác (Nhìn),Khứu giác (Ngửi) và nhiều người tin rằng chúng ta có cả giác quan thứ 6 là Linh cảm nữa.



Bạn thường học tiếng Anh bằng những giác quan nào?
Thính giác – tất nhiên rồi! Các bạn có biết nhiều em nhỏ ở Sapa dù không biết đọc biết viết vẫn rất phát âm tiếng Anh rất chuẩn nhờ việc giao tiếp với người nước ngoài đấy. Nếu ít có cơ hội tiếp xúc với người ngoại quốc, bạn vẫn có thể sử dụng giác quan này bằng cách nghe đài, nghe nhạc bằng tiếng Anh. Ban đầu có thể bạn chỉ hiểu được 1/10 hay thậm chí là không gì cả, nhưng nếu kiên trì, đến một ngày bạn sẽ thấy những âm thanh đó không còn xa lạ nữa. Bạn sẽ có thể dễ dàng nhắc lại nhiều từ ngữ, mẫu câu phổ biến với độ chính xác đáng kinh ngạc và cách phát âm như người bản ngữ!

Thị giác – nhiều bạn nói rằng sẽ không thể thuộc từ mới nếu không nhìn thấy cách nó viết. Quả đúng là như vậy! Thị giác đóng vai trò vô cùng quan trọng trong học tập và thúc đẩy trí nhớ. Khi học từ mới, ngoài việc xem cách nó viết, bạn có thể sử dụng hình ảnh nữa đấy! Khi muốn tìm hiểu nghĩa của một từ nào đó, thay vì mở cuốn từ điển Anh-Việt dầy cộp hay quay sang hỏi thầy cô giáo, sao bạn không thử mở trang web http://images.google.com/ , rồi gõ từ đó vào ô tìm kiếm. Đây là chức năng tìm hình ảnh của google, nó sẽ cho bạn thấy rất nhiều hình ảnh minh họa cho từ mà bạn đang cần hiểu. Cũng tương tự như vậy, nếu chịu khó xem phim và thời sự trên các kênh như BBC, Star movie, Disney channel, Star World, HBO thì trình độ tiếng Anh của bạn sẽ lên nhanh một cách đáng kinh ngạc! Và không chỉ dừng lại ở những cái bạn có thể nhìn thấy, mà hãy luyện thói quen “liên tưởng” đến một hình ảnh minh họa mỗi khi học một từ mới nhé!

Kết quả tìm kiếm cụm từ “wake up” bằng Google Image


Còn khứu giác, xúc giác, vị giác thì làm sao?


Chúng ta có thể nếm một món ăn, ngửi một bông hoa, chạm vào một chiếc áo, linh cảm một cơn bão đang tới nhưng bạn có ngạc nhiên không khi biết chúng ta có thể nếm, ngửi và chạm vào một ngôn ngữ mới nhỉ?
Bạn có nhận ra chỉ cần nhắc đến từ “quả chanh”, nhiều người trong chúng ta đã ứa nước miếng. Chỉ cần nhắc đến từ “ô tô”, nhiều bạn đã bắt đầu cảm thấy “say say”. Đó là vì não chúng ta có khả năng liên kết và liên tưởng.

Cảm giác!
Bạn cảm thấy thế nào khi “sad”, “happy”, khi “wake up” hay khi “go to school”. Thay vì dịch những từ trên là “buồn”, “hạnh phúc”, “tỉnh dậy” “đi học” thì hãy hình dung bạn sẽ cảm thấy thế nào trong những trường hợp đó.


Để học ngoại ngữ hiệu quả, chắc chắn chúng ta không thể chỉ sử dụng một giác quan mà phải vận dụng nhiều giác quan cùng một lúc.
Từ bây giờ, để học từ “Storm(cơn bão), hãy đọc to từ này (theo cách bạn nghe thấy trên phim), hình dung những trận lốc xoáy, tiếng mưa rào dội xuống mái tôn, cảm giác ngột ngạt khi chờ bão đến và thậm chí cả một chút bất an nữa nhỉ. Càng liên tưởng đến những gì gần gũi và ấn tượng với mình, thì lại càng dễ nhớ.



Ban đầu, chưa quen với phương pháp học mới này, bạn sẽ thấy hơi khó và mất thời gian. Nhưng khi đã quen với cách thức này, bạn sẽ nhận thấy nó vô cùng hiệu nghiệm. Bởi vì:
-   Nó giúp bạn nhớ lâu hơn
-  Nó giúp bạn hiểu văn hóa và cách tư duy của một dân tộc khác
-  Nó giúp bạn giao tiếp nhanh hơn (vì bạn sẽ tư duy bằng tiếng Anh, chứ không mất thời gian dịch nhẩm trong đầu ra tiếng Việt nữa)
-  Nó giúp bạn tăng cường tính sáng tạo, óc tưởng tượng, khả năng tập trung, kỹ năng lắng nghe, và khơi dậy mọi giác quan. Tin không? Cuộc sống của bạn sẽ thú vị hơn nhiều lần đấy!

Nguyễn Thị Vân Trang 
Chuyên viên dự án REACH
Tổ chức Plan tại Việt Nam



0 comments:

Post a Comment

 
Học nghề tại REACH - Trung tâm dạy nghề cho thanh niên © 2015. Powered by REACH
Top